• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Thứ sáu - 06/05/2011 - (21,246 lượt xem)

Giãn tĩnh mạch tinh - Vi phẫu thuật

h…t@vin…..vn

Kính chào Bác sỹ Nguyễn Thành Như!

Lời đầu tiên vợ chồng em gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bác sỹ Như và chúc Bác sỹ cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

Ngày 2 tháng 9 năm 2005, vợ chồng em đã vào TP HCM, được Bác sỹ Như khám và tiến hành phẩu thuật cho chồng em là Nguyễn …D. Sau 06 tháng được bác sỹ phẩu thuật thì vợ chồng em có tin vui. Cháu trai đầu lòng của vợ chồng em đến nay đã gần 05 tuổi.

Trường hợp của chồng em theo lời khám của Bác sỹ lúc đó là tinh hoàn phải cao và bị giãn tĩnh mạch tinh bên trái. Sau phẫu thuật, Bác sỹ có cho đơn thuốc uống 1 tháng. Bác sỹ có dặn sau khi sinh xong đứa đầu lòng thì sinh luôn cháu thứ 2. Vợ chồng em cũng dà làm theo lời chỉ dẫn nhưng đến nay vẫn chưa có tin vui lại Bác sỹ à. Vợ chồng em xin hỏi Bác sỹ trường hợp như vợ chồng em theo bệnh án như trên và hiện tại tuổi của chúng em là 36 tuổi liệu hy vọng có cháu thứ hai nữa không ạ? Nếu điều trị thì điều trị như thế nào và uống thuốc như thế nào ạ?

Rất mong Bác sỹ giúp đỡ và tư vấn thêm. Một lần nữa chúc Bác Như cùng gia đình mạnh khỏe và có nhiều sáng kiến để đem lại niềm vui cho nhiều gia đình trong đó có cả niềm vui của gia đình em Bác sỹ ạ.

Rất mong nhận hồi âm của Bác sỹ.

Xin Cảm ơn Bác sỹ .

Mến gởi chị H, anh D,

Theo mô tả của chị thì trường hợp của anh là hiếm muộn do giãn tĩnh mạch tinh.

Trước kia, phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh là phẫu thuật mở (mổ phanh) - không vi phẫu - cắt và cột tĩnh mạch tinh bên trái (không mổ bên phải). Phẫu thuật kiểu này đưa tới tỉ lệ thành công thấp, khả năng tái phát cao (30%), dễ gây tràn dịch tinh mạc sau mổ (khoảng 20-30%) và đôi khi gây ra teo tinh hoàn do cột nhầm động mạch tinh hoàn. Từ năm 2001, theo kinh nghiệm học từ nước ngoài, tôi áp dụng vi phẫu thuật (dùng kính lúp phẫu thuật để phóng đại các mạch máu) để mổ giãn tĩnh mạch tinh nên không gặp biến chứng tràn dịch tinh mạc hay teo tinh hoàn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi chỉ mổ cột các tĩnh mạch bị giãn chứ không cắt rời, và chỉ mổ bên trái chứ không mổ cả hai bên trái - phải. Do vậy, tỉ lệ thành công cũng chưa cao và khả năng tái phát cũng xấp xỉ 20-30%. Từ năm 2002, ngày càng có nhiều bác sĩ trên thế giới ghi nhận giãn tĩnh mạch tinh là bệnh lý ở cả hai bên, và khi phẫu thuật cho bệnh nhân, họ tiến hành mổ cả hai bên. Theo kinh nghiệm đó, từ năm 2004, tôi bắt đầu áp dụng vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn ở cả hai bên bẹn khi điều trị giãn tĩnh mạch tinh cho bệnh nhân. Tỉ lệ thành công (có thai tự nhiên sau mổ) từ đó đã tăng lên rõ rệt (30% vợ bệnh nhân có thai sau khi mổ 6 tháng; nếu chờ tới 1 năm thì tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ là 42%), nhưng vẫn còn khoảng 5% bị tái phát. Tới cuối năm 2005, dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ Goldstein danh tiếng trên thế giới về vi phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh, tôi tiến hành vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn ở cả hai bên bằng ngả bẹn và cả ngả bìu. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ có 3 đường mổ: 2 ở bên bẹn (háng) và 1 ở giữa bìu. Với kỹ thuật cải tiến này của tôi, dù tỉ lệ có thai không tăng hơn nữa, nhưng tỉ lệ tái phát hầu như không gặp.

Nói dài dòng như vậy để chị hiểu rằng, nhiều khả năng tôi chỉ mổ cho chồng chị bằng 2 đường mổ bên bẹn (háng), chứ không mổ đường giữa bìu. Do vậy, sau mổ, phẫu thuật đã thành công (anh chị có 1 cháu), nhưng anh có thể bị giãn tĩnh mạch tinh tái phát, đưa đến tinh trùng yếu lại, khó thụ thai.

Theo tôi, cả hai anh chị nên đi khám lại về hiếm muộn (chị cũng có thể bị hiếm muộn thứ phát). Về bên chị, tôi đề nghị, nếu tiện, chị nên đến khám hiếm muộn tại bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hạnh Phúc .... Về phía anh, chỉ cần anh đi thử tinh dịch đồ và siêu âm tinh hoàn. Sau đó anh chị gởi kết quả cho tôi xem, tôi sẽ có hướng dẫn tiếp theo.

Chúc anh chị và cháu vui khỏe !

TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả