• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ tư - 15/01/2014 - (3,361 lượt xem)

Thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng người đã chết

 

http://motthegioi.vn/goc-quan-sat/tsbs-nguyen-thanh-nhu-van-de-la-luat-phap-va-dao-duc-co-cho-phep-hay-khong-36039.html

Đăng Bởi Một Thế Giới - 06:28 03-01-2014

TS-BS Nguyễn Thành Như - Kỹ thuật không khó, vấn đề là luật pháp và đạo đức cho phép hay không”

Vừa qua, sự kiện hai em bé chào đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng người chồng chết cách đây ba năm đã gây xôn xao dư luận. Để tìm hiểu sâu về kỹ thuật này, PV đã trao đổi với TS-BS Nguyễn Thành Như, nguyên trưởng khoa Nam học bệnh viện Bình Dân TP.HCM.

Thưa ông, kỹ thuật này có khó không, và ở Việt Nam nó được du nhập vào từ khi nào?

Với sự ra đời của kỹ thuật ICSI (IntraCytoplasmic Sperm Injection - Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), chỉ cần một tinh trùng và một trứng là có thể cho ra đời một em bé. Kỹ thuật này được phát hiện rất tình cờ. Năm 1992, trong lúc thao tác đưa tinh trùng vượt qua lớp màng ngoài của trứng, BS người Mỹ Gianpiero D. Palermo đã vô tình chọc thủng màng bọc trứng, để tinh trùng chui lọt vào bào tương trứng. Trứng đó, sau đó phát triển thành một phôi tốt đẹp và cho ra đời một em bé khỏe mạnh. Thế là kỹ thuật ICSI ra đời, giúp cho việc điều trị vô sinh nam đạt bước tiến nhảy vọt. Ban đầu, các bác sĩ dùng tinh trùng trong tinh dịch để cấy vào trứng. Sau đó, 1994, tinh trùng được lấy từ mào tinh, rồi từ tinh hoàn.

Tại Việt Nam, ICSI thực hiện lần đầu tiên vào năm 1998 bởi các BS Vương Thị Ngọc Lan và Hồ Mạnh Tường. Việc trích tinh trùng từ mào tinh (kỹ thuật MESA, PESA) đã được tôi thực hiện từ năm 2002 để cùng với các BS Ngọc Lan, Mạnh Tường thực hiện ICSI. Một năm sau, cũng ê-kíp này thực hiện trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE). Tiếp theo đó, năm 2008 chúng tôi lấy tinh trùng cấy theo kỹ thuật ICSI bằng cách trữ đông mô tinh hoàn có tinh trùng, để khi cần thì rã đông. Năm 2010, ê kíp tiến tới kỹ thuật microTESE phức tạp hơn, cho các trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn sinh tinh rất kém.

Trích và trữ tinh trùng của người đã chết (PMSR, postmortem sperm retrieval) đã được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1980 cho một người đàn ông 30 tuổi qua đời vì tại nạn giao thông. Năm 1998, nhờ kỹ thuật ICSI, em bé đầu tiên ra đời với tinh trùng như thế này.

PMSR là một kỹ thuật khá đơn giản với các bác sĩ ngoại khoa vì chỉ là một tiểu phẫu bình thường. Việc trữ đông tinh trùng cũng không phải là điều khó khăn đối với các trung tâm hiếm muộn tại Việt Nam. Khó khăn lớn nhất của việc trích tinh trùng và trữ đông tinh trùng của người đã chết chỉ là chuyện luật pháp và đạo đức. Vấn đề thứ hai là liệu những tinh trùng này có thật sự bình thường hay không, có bị những chất sản xuất khi cơ thể đã chết gây ra những biến đổi về gen hay không.

Qua báo chí phổ thông, có một điều tôi không hiểu là vì sao ê-kíp bác sĩ trích tinh trùng trong trường hợp này sao không chọn kỹ thuật đơn giản hơn, tinh trùng thu được tốt hơn, dễ trữ đông hơn là lấy tinh trùng từ đuôi mào tinh và đoạn đầu ống dẫn tinh mà lại chọn kỹ thuật phức tạp hơn là trích tinh trùng tinh hoàn. Hầu hết các trường hợp PMSR được báo cáo cho tới nay trên thế giới là tinh trùng lấy từ ống dẫn tinh hay mào tinh. Trong khi đó, ở người sống, khi mào tinh cần được giữ nguyên vẹn (để bệnh nhân còn có thể có con tự nhiên) thì ê-kíp này lại chọn kỹ thuật chọc mào tinh để hút tinh trùng, gây hư hại mào tinh ???

Ông đã gặp trường hợp nào xin thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chết chưa?

Cách nay bốn năm, tôi có người bạn bác sĩ gọi nhờ thực hiện việc trích tinh trùng cho một người trong họ hàng đã chết tại bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM. Tôi trả lời, việc đó trong tầm tay, nhưng cần phải hỏi bệnh viện Từ Dũ xem họ có chấp nhận trữ tinh trùng hay không, và phải hỏi sở Y tế xem luật có cho phép hay không. Sau đó, tôi không thấy người bạn liên hệ lại nữa.

Theo tôi, nếu thông tin trên báo là đúng thì đó là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam lưu trữ mô tinh hoàn có tinh trùng của người đã chết. Tôi không rõ luật pháp Việt Nam có cho phép hay không. Nếu luật pháp Việt Nam cho phép, tất các các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam đều thực hiện được kỹ thuật này. Trên thế giới, có nước cấm trích tinh trùng tinh hoàn người chết (Pháp, Đức chẳng hạn); có nước cho phép (Anh quốc) nhưng với điều kiện người đó lúc còn sống có viết giấy xin lưu trữ tinh trùng; hoặc chỉ cho phép vợ người đó được yêu cầu trữ tinh trùng tinh hoàn của chồng đã chết (Israel); hoặc hoàn toàn không cấm (Mỹ).

Thời gian từ khi chết đến bao lâu thì có thể trích được tinh trùng trong tinh hoàn?

Nếu một người đã chết não nhưng vẫn được máy móc y học duy trì tuần hoàn và hô hấp, trên lý thuyết việc trích tinh trùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào kể từ khi người đó được xác định đã chết não. Trên thực tế, 36 giờ là thời gian đã được ghi nhận trên y văn thế giới. Tuy nhiên, nếu một người chết mà không được duy trì hô hấp và tuần hoàn thì thời gian có thể còn trích được tinh trùng có lẽ không quá 5-6 giờ.

Tỉ lệ thành công của một trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ tinh hoàn của một người đã chết cũng ngang bằng với các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm khác (khoảng 30%).

Tóm lại, điểm đặc biệt duy nhất của chuyện này là tinh trùng sử dụng làm thụ tinh trong ống nghiệm được lấy từ tinh hoàn của người đã chết. Kỹ thuật không có gì đặc biệt, vấn đề là luật pháp và đạo đức.

Thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng người chồng chết là vấn đề gây tranh cãi. Cá nhân ông, ông ủng hộ hay phản đối chuyện này?

Tôi dè dặt, phản đối nhiều hơn là ủng hộ, vì những vấn đề về đạo đức, những vấn đề có thể phát sinh cho những đứa trẻ sinh ra từ những tinh trùng này.

Tôi nghĩ các nhà chuyên môn (bao gồm các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, các nhà tâm lý…) và các nhà soạn thảo luật cần bàn bạc kỹ vấn đề này. Chúng ta cần tham khảo các báo cáo khoa học, luật của các nước khác về vấn đền này, vì sao họ chọ phép, hay vì sao họ cấm. Nếu chúng ta cho phép thì cần qui định rõ nhiều vấn đề như ai là người có quyền quyết định cho việc trích và trữ tinh trùng và việc thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng này (người quá cố, người vợ, cha mẹ, những người thừa kế…), cơ sở y tế nào được phép trữ tinh trùng này, sau bao lâu thì tinh trùng này phải được hủy (1 năm hay 2 năm, 5 năm…) và ai là người có quyền quyết định việc hủy tinh trùng này v.v…

Phan Sơn thực hiện

 

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả